Có thể khẳng định rằng, hoạt động tạo hình là một trong những phương tiện tích cực để phát triển ở trẻ khả năng hoạt động trí tuệ như: óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Trong hoạt động tạo hình, trẻ em có nhiều cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu các đối tượng miêu tả để có được hiểu biết, sự hình dung về các đối tượng, từ đó xây dựng các biểu tượng. Nhờ hoạt động tạo hình mà vốn hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh được tăng lên, ngày càng trở nên “giàu có” hơn cả về lượng và chất.
Hoạt động tạo hình cũng giúp phát triển ở trẻ khả năng phối hợp, điều chỉnh hoạt động của mắt và tay, rèn luyện sự khéo léo, linh hoạt trong vận động của tay, từ đó giúp cho việc học viết của trẻ ở tiểu học sẽ đạt kết quả tốt.
Thực tế tại các nhà trường giáo viên sử dụng phương pháp hoạt động tạo hình chưa linh hoạt, sáng tạo, còn mang tính áp đặt, dập khuôn theo mẫu, sao chép, chưa phát huy hết khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của trẻ. Quá trình tổ chức còn nặng về kết quả sản phẩm, cô chưa chú ý dạy kỹ năng tạo hình cho trẻ, chưa chú ý phát triển nghệ thuật tạo hình ở trẻ, có chăng chỉ chú ý đến rèn kỹ năng vẽ, nặn chưa chú ý đến rèn kỹ năng cắt, xé, dán, làm đồ dùng đồ chơi đặc biệt là thường sử dụng các nguyên liệu mà nhà trường cấp phát như giấy mầu, xốp chứ chưa tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên như hột hạt, lá cây, sỏi…chưa tạo cảm hứng cho trẻ khi học tạo hình, chưa biết tận dụng môi trường xung quanh để tạo cảm xúc thẩm mỹ cho trẻ. Một số giáo viên kỹ năng vẽ, nặn, xé dán còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Trẻ có kỹ năng tạo hình không đồng đều, sản phẩm trẻ làm ra thường giống bạn, chưa sáng tạo. Một số phụ huynh chưa phối hợp chặt chẽ với cô giáo, chưa chú ý đến dạy trẻ những kỹ năng tạo hình cho trẻ tại gia đình, chưa hỗ trợ giáo viên sưu tầm những nguyên vật liệu cho trẻ hoạt động tại lớp. Hoạt động này được tổ chức theo một trình tự quen thuộc. Như vậy hiệu quả của hoạt động không cao, chưa thu hút đa số trẻ tham gia, chưa phát huy triệt để tính tích cực của trẻ, đặc biệt là đối với một số trẻ tự kỷ, tăng động hay một số trẻ có sự phát triển đặc biệt về ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội, vận động.
Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa của hoạt động tạo hình đối với trẻ MN, trường MN Tân Thành nhận thấy việc đổi mới hoạt động tạo hình là công việc hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục trẻ để trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện, hài hòa nhân cách. Năm học 2022-2023 nhà trường đã lựa chọn giải pháp sáng tạo “Đổi mới hoạt động tạo hình cho trẻ MG theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm”. Ngày 14/4/2023 nhà trường đã tổ chức báo cáo nghiệm thu chuyên đề. Sau đây là một số hình ảnh.